Ngành CÔNG NGHỆ THỰC PHẨM
Môn xét tuyển: Toán, Lý, Hóa hoặc Toán, Hóa, Sinh
1. CHUYÊN NGÀNH BẢO QUẢN CHẾ BIẾN NÔNG SẢN THỰC PHẨM
Ngành học cung cấp các kiến thức cơ bản, cơ sở, chuyên môn nhằm giúp sinh viên có khả năng hoạt động độc lập; cải tiến, đổi mới các quy trình công nghệ bảo quản, chế biến sản xuất nông sản, thực phẩm cũng như công tác tốt trong các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các thành phần kinh tế…có liên quan.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc trong các doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh, cơ sở sản xuất chế biến nông sản-thực phẩm hay trong các cơ sở nghiên cứu và phát triển kỹ thuật bảo quản, chế biến các sản phẩm từ thịt, cá; nghiên cứu và phát triển kỹ thuật bảo quản, chế biến các loại rau và trái cây; nghiên cứu các kỹ thuật bảo quản nông sản; nghiên cứu kiểm tra chất lượng sản phẩm.
2. CHUYÊN NGÀNH BQCBNSP & DINH DƯỠNG NGƯỜI
Ngành học đào tạo nguồn nhân lực có khả năng công tác ở các vị trí tư vấn dinh dưỡng, phát triển các sản phẩm dinh dưỡng, kiểm định chất lượng dinh dưỡng trong các công ty cung cấp thực phẩm (bếp ăn khu công nghiệp, nhà hàng, dịch vụ du lịch…), đánh giá tình hình dinh dưỡng và lập kế hoạch can thiệp dinh dưỡng cộng đồng… đáp ứng một cách thiết thực nhu cầu phát triển của xã hội trong quá trình hội nhập. Đồng thời có thể tiếp tục theo học các chương trình đào tạo sau đại học trong nước hoặc ngoài nước.
Sinh viên được trang bị các kỹ năng như: tham gia vào việc xây dựng và thực hiện một quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, quy chế quản lý chặt chẽ về sản xuất và kinh doanh thực phẩm để hạn chế tối đa nguy cơ và số vụ ngộ độc thực phẩm mà hậu quả của nó chẳng những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và tính mạng của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nhân dân và ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc trong các doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh, cơ sở sản xuất chế biến nông sản - thực phẩm ngoài ra còn có thể thích hợp công tác tại các Viện hay Trung tâm nghiên cứu về dinh dưỡng người, các Trung tâm tư vấn về dinh dưỡng và sức khỏe cộng đồng,…
3. CHUYÊN NGÀNH BQCBNS VÀ VI SINH THỰC PHẨM
Ngành học cung cấp kiến thức và kỹ năng chung về bảo quản và chế biến nông sản thực phẩm, cung cấp cho người học hiểu biết sâu sắc về ảnh hưởng bất lợi và ứng dụng của vi sinh vật trong lĩnh vực chế biến và bảo quản cũng như những kỹ thuật để kiểm soát và kiểm nghiệm vi sinh trong thực phẩm nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc trong các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến nông sản thực phẩm hoặc công tác tại các Viện hay các trung tâm nghiên cứu về dinh dưỡng, về vi sinh thực phẩm, các trung tâm tư vấn về sức khỏe cộng đồng... hoặc tham gia trong công tác kiểm tra thẩm định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
4 CHƯƠNG TRÌNH TIÊN TIẾN NGÀNH CÔNG NGHỆ THỰC PHẨM
Chương trình đào tạo được thiết kế trên cơ sở chương trình của trường đối tác là Đại học California Davis (UC Davis), Hoa Kỳ, một trong top 50 các trường đại học thế giới. Quá trình đào tạo sẽ do các giảng viên của Khoa Công nghệ Thực phẩm, trường Đại học Nông Lâm đảm nhiệm cùng với sự tham gia trực tiếp và sự cố vấn của các giáo sư trường UC Davis. Nội dung giảng dạy, điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị thực hành thực tập, hướng tới chuẩn mực quốc tế với tất cả các môn học chuyên ngành đều sử dụng tiếng Anh. Ngoài ra, trong quá trình đào tạo, sinh viên có cơ hội tham gia các đợt thực tập ngắn hạn ở nước ngoài.
Ngành học đào tạo nguồn nhân lực được trang bị các phẩm chất tiên tiến: có đạo đức tốt, kiến thức chuyên môn vững vàng, kỹ năng thực hành và quản lý doanh nghiệp tốt, sử dụng thành thạo Anh ngữ. Có khả năng hội nhập tốt trong môi trường làm việc mang tính toàn cầu hóa, đáp ứng một cách thiết thực nhu cầu phát triển của xã hội trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Đồng thời có thể tiếp tục theo học các chương trình đào tạo sau đại học tại các nước phát triển trên thế giới.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên chương trình tiên tiến có khả năng làm việc ở những vị trí quan trọng trong các công ty sản xuất thực phẩm trong và ngoài nước; quản trị sản xuất, quản lý chất lượng, xây dựng và thực hiện các chương trình phát triển sản phẩm mới; các cơ sở nghiên cứu như Viện, Trường; các cơ sở kinh doanh thực phẩm.
Số lần xem trang: 2965
Điều chỉnh lần cuối: 20-07-2016